Chọn sản phẩm tặng kèm
Mã hàng: | 8936037797021 |
Nhà xuất bản: | Lao động |
Tác giả: | Bác sĩSteven P Shelov |
Năm xuất bản: | 10/2015 |
Số trang: | 312 |
Người ta thường nói rằng nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh và ngoan ngoãn là một trong những nỗ lực khó khăn và đòi hỏi nhiều cố gắng nhất của toàn nhân loại. May mắn thay, đó cũng là một trong những nỗ lực được tưởng thưởng lớn nhất trong đời. Còn điều gì kỳ diệu và phấn khích hơn sự chào đời của một đứa trẻ? Tuy nhiên, chăm sóc trẻ mới sinh là một nhiệm vụ khắt khe 24/24, là quá trình học hỏi cho cả bạn và bé; mặc dù vậy, chẳng mấy chốc bạn sẽ học được cách diễn giải tiếng khóc, miệng cười toe toét, nét mặt nhăn nhó, và những dấu hiệu khác của con mình. Bạn sẽ dần trở nên tự tin vào đánh giá và các kỹ năng làm cha mẹ của mình. Điều đáng kinh ngạc là, từ lúc chào đời, trẻ nhỏ đã học tập ở tốc độ còn nhanh hơn cha mẹ mình – không chỉ về cách giải thích các dấu hiệu từ cha mẹ mà còn về cái thế giới to lớn, mới mẻ mà các bé vừa bước vào.
Khoa học hiện đại không ngừng khẳng định những điều mà các bậc cha mẹ vốn đã hiểu rõ: trẻ em phát triển mạnh mẽ khi có tình yêu thương và sự chú ý. Nền tảng được xây dựng cho trẻ trong những năm đầu đời quyết định phần lớn những giá trị và thành công ở tuổi trưởng thành. Nhưng như mọi bậc cha mẹ sẽ nói với bạn, thi thoảng bạn sẽ gặp phải một tình huống mà bạn cần được giúp đỡ. Quan trọng là phải nhận thức được rằng bạn không chỉ có một mình. Với những người mới bắt đầu, bác sĩ nhi là người bạn có thể tìm đến để xin lời khuyên về mọi việc, từ dỗ dành một đứa trẻ bị đau bụng cho tới việc xử lý những chuyện không thể tránh khỏi như: cơn nhiễm lạnh, đau tai, viêm họng và những trận ốm vặt khác thường thấy ở trẻ nhỏ. Hình thành một mối quan hệ cộng tác với bác sĩ nhi có thể giúp bạn vượt qua những lúc khó khăn và củng cố lại đánh giá của bạn khi bạn gây dựng sự tự tin trong các kỹ năng làm cha mẹ của mình.
Đảm bảo cho sức khỏe và hạnh phúc của con là một trong những trách nhiệm cơ bản của người cha, người mẹ. Lúc này hay lúc khác, cha mẹ nào cũng phải đánh giá các triệu chứng của con và quyết định phải hành động thế nào. Trong mấy tháng đầu, sẽ là một ý tưởng tốt khi gọi cho bác sĩ nhi nếu bạn lo lắng mình đang bỏ sót điều gì đó. Không lâu sau, bạn sẽ có khả năng phán đoán xem mình có thể xử lý được vấn đề đó không hay nên tìm tới sự chăm sóc của bác sĩ nhi. Cuốn sách này được thiết kế để giúp bạn phân biệt những vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày với những vấn đề nghiêm trọng hơn. Nó gợi ý ra các bước tự hành động cho mỗi vấn đề. Tuy nhiên, cũng rất cần phải nhấn mạnh rằng không sách vở nào có thể thay thế được sự phán đoán nhạy bén của bạn
cũng như chuyên môn của bác sĩ nhi – cả hai đều là những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo những điều tốt nhất cho con bạn.
Mục L ục
Nhận xét về cuốn sách
Lời nói đầu
Mục lục
Giới thiệu
Phần I. Hướng dẫn về các triệu chứng phổ biến ở trẻ
Chương 1: Các triệu chứng thường gặp ở trẻ trong những tháng đầu
Chương 2: Các triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ
Chương 3. Các vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần thường gặp ở trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên (từ 13 – 19 tuổi)
Phần II. Các thao tác sơ cấp cứu và các chỉ dẫn an toàn
Chương 4. Cơ bản về sơ cấp cứu
Chương 5. Chỉ dẫn an toàn và các biện pháp phòng ngừa các mối nguy hiểm
Giới thiệu tác giả
Bác sĩ (MD) Steven P. Shelov, Hội viên Viện Hàn lâm nhi khoa Mĩ (FAAP) là giáo sư nhi khoa ở Đại học Y Stony Brook và phó khoa đào tạo y học Bệnh viện Đại học Winthrop thuộc khuôn viên Stony Brook. Ông nhận bằng tiến sĩ của Đại học Y Wisconsin và bằng thạc sĩ y học quản trị Đại học Wisconsin. Sau khi hoàn thành thời gian thực tập nội trú nhi ở khoa nhi Trung tâm y tế Montefi ore, thuộc Đại học Y Einstein, BS. Shelov trở thành giám đốc chương trình nhi khoa ở đó, và 17 năm sau ông trở thành một giáo sư nhi khoa, giám đốc chương trình đào tạo nhi khoa và phó chủ tịch tại Khoa nhi. Từ năm 1997 đến 2010, ông là chủ tịch khoa nhi của Bệnh viện dành cho Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ Maimonides ở Brooklyn. Là tác giả của hơn 100 ấn phẩm và 15 cuốn sách, ông từng là tổng biên tập sáng lập của cẩm nang hướng dẫn cha mẹ của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mĩ: Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Từ khi mới sinh đến 5 tuổi, từ ấn bản đầu tiên của cẩm nang này năm 1991.
Bác sĩ Shelly Vaziri Flais, Hội viên Viện Hàn lâm nhi khoa Mĩ, bác sĩ nhi được hội đồng chuyên khoa chứng nhận và là mẹ của bốn đứa con. Là giảng viên lâm sàng nhi khoa của trường Y Đại học Feinberg và bệnh viện cho trẻ em Ann & Robert H. Lurie ở Chicago, bà là tác giả cuốn sách Nuôi dạy trẻ sinh đôi của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mĩ, đồng thời là cộng tác viên cho cuốn Giấc ngủ: Những điều mọi bậc cha mẹ cần biết. Bà đã chia sẻ phương pháp dạy con dựa từ trên thực tế của mình qua đài truyền hình, đài phát thanh địa phương và quốc gia, các trang mạng và các phương tiện truyền tin khác, bà cũng đóng góp cho các tạp chí Cha mẹ, Làm cha mẹ, Sinh đôi và Trẻ em khỏe mạnh. Ấn bản đầu tiên của Nuôi dạy trẻ sinh đôi đã được vinh danh ở Giải thưởng Th ông tin về Sức khỏe năm 2010 và Giải thưởng Sách Trung tây Mĩ năm 2009.
Về Viện Hàn lâm Nhi khoa Mĩ
Viện Hàn lâm Nhi khoa Mĩ là một tổ chức gồm 62.000 bác sĩ nhi chăm sóc cơ bản, các chuyên gia chuyên sâu nhi khoa, cùng các chuyên gia phẫu nhi vì sức khỏe, sự an toàn và cuộc sống hạnh phúc của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên và thanh niên.
Trích dẫn
NUÔI DƯỠNG MỘT ĐỨA TRẺ KHOẺ MẠNH
Khi trẻ lớn lên, các bé ngày càng tiếp xúc với mọi người và đồ vật nhiều hơn, điều đó kích thích trí tò mò và thúc đẩy sự phát triển của các bé. Giai đoạn mới mẻ này khiến cha mẹ thấy thật thú vị, và cũng khiến họ lo lắng nữa. Khi phạm vi tiếp xúc của trẻ mở rộng hơn, bé dễ tiếp xúc với các căn bệnh truyền nhiễm và các tình huống nguy hiểm.
Ngay cả khi bạn cẩn trọng hết sức có thể để bảo vệ con mình khỏi bệnh tật và nguy hại, ở một thời điểm nào đó, ngay cả lúc khỏe mạnh nhất, bé chắc chắn vẫn mắc phải một vài triệu chứng. Một số triệu chứng có thể là dấu hiệu cho sự khó chịu tạm thời, như những triệu chứng của cảm lạnh thông thường; những triệu chứng khác có thể là dấu hiệu cho một căn bệnh nghiêm trọng hơn cần khám ngay. Các biểu đồ trong chương này nói đến những triệu chứng thông thường nhất từ giai đoạn sơ sinh cho tới tuổi thiếu niên.
Những biểu đồ này sẽ giúp bạn nhận ra những khác biệt giữa các triệu chứng rất có thể sẽ tự mất đi và những triệu chứng đòi hỏi sự lưu tâm của bác sĩ nhi. Nếu các triệu chứng của con bạn không khớp với những điều được trình bày trong chương này, hoặc bạn có bất cứ nghi ngờ nào về việc cần làm, hãy gọi cho bác sĩ nhi để xin lời khuyên.
TỔNG QUÁT
Trẻ con bị đau bụng vì nhiều lý do thể chất hay tinh thần. Khi một cơn đau đột ngột xuất hiện, nó được gọi là đau bụng cấp tính (để có thêm thông tin về đau mãn tính, cơn đau kéo dài một tuần hoặc hơn và thỉnh thoảng lại trở lại, xem trang 22). May mắn thay, hầu hết các cơn đau dạ dày đều tự biến mất mà không cần điều trị đặc biệt. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu những triệu chứng thể hiện những nguyên nhân bất thường hoặc có khả năng nghiêm trọng.
Điều trị viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là một dạng nhiễm khuẩn hoặc viêm ở ruột thừa (hình 2-1). Ruột thừa là một bao có hình dạng giống con sâu ở gần nơi ruột già và ruột non gặp nhau trong cơ thể. Khi cơn đau bụng kèm triệu chứng khác và các xét nghiệm thể hiện dấu hiệu viêm ruột thừa, ruột thừa phải được cắt bỏ càng sớm càng tốt; nếu không, nó có thể vỡ, gây ra chứng viêm phúc mạc, một dạng nhiễm trùng nguy hiểm lan rộng cả khoang bụng. sau khi mổ, thường thì trẻ gần như có thể hồi phục nhanh chóng mà không có phản ứng phụ nào.
CẢNH BÁO!
Đừng ép trẻ ăn khi đang bị đau bụng, nhưng hãy đảm bảo là bé có nhiều đồ uống sạch để uống nếu bé muốn. Đừng cho bé uống thuốc giảm đau (ví dụ acetaminophen nếu lớn hơn 3 tháng tuổi và không bị nôn hay thiếu nước) trừ khi bác sĩ nhi đã khám cho bé và cho phép.
Gọi ngay cho bác sĩ nhi nếu:
Con bạn nhỏ hơn một tuổi và tỏ ra những dấu hiệu đau đớn có thể đoán là đau bựng (như khóc bất thường, chân co về phía bụng).
Con bạn bị đau liên tiếp trong 3 giờ hoặc hơn.
Con bạn bị đau cùng với sưng tấy ở háng hoặc bìu
Con bạn vẫn bị đau 3 tiếng đồng hồ sau khi nôn hoặc đi tiêu chảy.
Con bạn nôn ra dịch màu xanh hay nôn, đi ngoài có máu.