Chọn sản phẩm tặng kèm
Mã hàng: | 8936037796611 |
Nhà xuất bản: | Thế giới |
Tác giả: | Lê Xuân Khoa |
Năm xuất bản: | 2015 |
Số trang: | 308 |
Bùi Kiến Thành là chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế tài chính. Nhưng ít ai biết rằng, ông chính là cố vấn cho ba đời Thủ tướng: Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng. Chính ông là tác giả của khẩu hiệu: “Dân giàu, nước mạnh…” trong thời kì đầu Đổi mới, là một trong số những người trực tiếp khai thông quan hệ Việt - Mỹ, góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh hải Việt Nam…
Mấy thập niên trước đó, ông là bạn vong niên, trợ lý của Tổng thống Ngô Đình Diệm, đồng thời là cố vấn cho Ngô Đình Nhu và từng là chính khách trẻ tuổi nhất thường xuyên ra vào Dinh Gia Long. Ông còn là đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại Mỹ, là doanh nhân bất động sản thành công tại Pháp.
Trong cuộc lãng du qua hai thế kỷ của đời mình, Bùi Kiến Thành trực tiếp tham dự nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc. Với nhiều sự kiện lớn lao khác, ông là nhân chứng hiếm hoi còn lại. Ông lựa chọn số phận của mình, hay là định mệnh đã chọn ông? Ngoài Bùi Kiến Thành ra, không ai có thể trả lời cho câu hỏi này. Đọc hồi ký của ông, người ta có cảm giác đang xem những thước phim tư liệu chân thực, giàu cảm xúc về lịch sử hiện đại nhiều biến động, thăng trầm của Việt Nam.
Mục Lục
Nhiều câu chuyện trong một cuộc đời
Những ngày thơ dại
Giữa sóng gió thời đại
Cuộc sống tha hương
Đi tìm chìa khóa
Phụ lục
Thông tin tác giả:
Lê Xuân Khoa (1983)
Anh là một tác giả văn chương luôn tìm kiếm những điều mới mẻ cả về nội dung lẫn cách thức thể hiện, quan tâm đến bảo tồn và phát triển những tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Anh đại diện cho thế hệ người Việt trẻ khao khát trải nghiệm, mong muốn chia sẻ và đối thoại.
Tiểu thuyết đầu tay Lá rơi trong thành phố (2013), được đông đảo bạn đọc đón nhận nhiệt liệt.
Trích dẫn
Cây lớn bắt rễ sâu
Trong số hơn 200 dòng họ ở Việt Nam, suốt chiều dài lịch sử từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, họ Bùi là một trong những dòng họ lớn sản sinh ra nhiều người con ưu tú. Đó là những danh tướng, danh sĩ, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà yêu nước... đã cống hiến tài năng, trí tuệ và sinh mệnh cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo chân Bùi Kiến Thành, chúng tôi may mắn được tham dự một buổi họp Ban liên lạc họ Bùi Việt Nam.
Bùi Kiến Thành nói: “Các bác ấy làm rất tốt. Buổi họp mặt lần trước của họ Bùi phía nam được tổ chức trong Dinh Độc Lập có đến 2.500 đại biểu tham gia.” Thật đáng ngưỡng mộ cho nỗ lực kết nối để phát triển của những con người họ Bùi hiện nay, điều mà không phải dòng họ nào cũng thực hiện được.
Văn phòng liên lạc họ Bùi Việt Nam nằm tại phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các thành viên của Ban liên lạc có mặt lúc này đều là những người họ Bùi uy tín đã có những cống hiến được ghi nhận cho đất nước ở lĩnh vực của họ. Khoảng hơn 10 con người ngồi quanh bàn họp lúc ấy đa số đều tóc bạc da mồi, nhưng vẫn nhiệt huyết với công việc chung. Cuộc họp kéo dài từ 8 rưỡi sáng đến khoảng 2 giờ chiều. Trong lúc bụng chúng tôi réo vang thì các bác vẫn tập trung, không ai than phiền hay đả động đến cơm nước.
Cuối buổi, Giáo sư Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Đường lối Học thức Quân sự Viện Chiến lược - Bộ Quốc phòng, nay là Chủ tịch Ban Chấp hành Cộng đồng họ Bùi Việt Nam Khóa I nắm tay tôi, cười: “Việc họ tộc mệt mỏi như thế đấy, chứ không đơn giản như bạn bè mình chơi với nhau.” Quả thực chúng tôi có hơi ái ngại khi chứng kiến các vấn đề hoạt động cũng như hành chính được đưa ra mổ xẻ thẳng thắn, nhiều lúc gay gắt đến mức chúng tôi ngồi phía sau phải nín thở nắm chặt tách trà.
Rời đi, chúng tôi được tặng một tập san Họ Bùi Việt Nam số đặc biệt và một cuốn sách Họ Bùi Việt Nam trong quá trình phát triển của lịch sử dày hơn 600 trang do tác giả Bùi Văn An sưu tầm và biên soạn. Sách ghi chú về họ Bùi Việt Nam từ những dấu tích truyền thuyết xa xưa, về Quốc Mẫu Bùi Thị Dung, mẹ của Thánh Gióng đời Hùng Vương thứ 6, khoảng năm 1760 trước Công nguyên, đến những danh nhân rất gần thời đại chúng ta như thi sĩ Bùi Giáng, họa sĩ Bùi Xuân Phái... Chương XXI Họ Bùi Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 có nhắc đến hai nhân vật là Bùi Biên và Bùi Kiến Tín, chính là ông nội và thân sinh của Bùi Kiến Thành.
Vài hôm sau, vào một buổi sáng thứ Bảy yên ả trong một quán cà phê nhỏ trên đường Đặng Dung, Bùi Kiến Thành chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của họ tộc mình:
“Họ Bùi nhà bác ở làng Vĩnh Trinh, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam...”
Xưa, đất Quảng Nam vốn của người Chiêm Thành. Khi Huyền Trân Công chúa được gả cho Chế Bồng Nga, họ mới hồi môn lại cho nước Việt hai châu Ô, Lí, từ Quảng Bình tới Phú Yên.
Hai châu Ô, Lí vuông ngàn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi
Sau đời nhà Trần, đời nhà Lê lên, tiếp tục khai phá, đưa quân, đưa dân đi mở mang bờ cõi, đi đến đâu thì đóng đồn lại. Lính phải biến những đất đai chung quanh đồn thành nơi khai khẩn trồng trọt được. Thường sau ba năm, những người lính đó được ở lại trên mảnh đất mới để làm ăn sinh sống, trở thành dân cư. “Cư” là “ở”. Vậy nên học trò 6, 7 tuổi mới hay đọc bài thơ:
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng.
“Đây là một trong số những bài thơ mà bác Thành được học khi mới có 6, 7 tuổi, nằm trong Quốc văn Giáo khoa thư – bộ sách giáo khoa đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ do ông Trần Trọng Kim cùng một số văn hào trong Bộ Giáo dục của Nam Triều biên soạn. Cho nên, phải nói là giáo dục khi xưa của Việt Nam mình hay lắm. Những chyện bác Thành đọc từ hồi đấy mà bây giờ nhớ hết. Người ta vừa được dạy văn học, vừa được dạy công dân giáo dục, là dạy ở đời phải như thế nào, nhiều thứ nhiều thứ lắm.