Giỏ hàng

Những Dấu Chân Ngân Dài

Nhà cung cấp: Khai Tâm
|
Loại bìa: Bìa Mềm
|
121,500₫ 135,000₫

Khuyến mãi & Ưu đãi tại CACHEP.VN

  • Freeship TP.HCM cho đơn hàng từ 1.000.000 đồng
  • Freeship tại các tỉnh thành ngoài TP.HCM cho đơn hàng từ 1.500.000 đồng

Gọi đặt mua (024) 3994 7159 (Thứ 2 - Thứ 6 | 08:00 - 17:00)

Chọn sản phẩm tặng kèm

Mã hàng: 9786043282924
Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức
Tác giả: Hồ Đắc Túc
Năm xuất bản: 2021
Số trang: 260

Những Dấu Chân Ngân Dài

TỰA
Hòa thượng Thích Nguyên Giác


Cuối thu PL. 2556 (năm Quý Tỵ - 2013), tôi may mắn được tháp tùng quý thầy và Phật tử Quảng Hương Già Lam đi chiêm bái các Phật tích ở Ấn Độ theo sự hướng dẫn của thầy Pháp Tịnh, người bấy giờ đang làm nghiên cứu sinh ngành Phật học ở Đại học New Delhi, khá rành về các thánh tích và từng dẫn nhiều đoàn tăng ni Phật tử đi chiêm bái. Ngoài Tứ động tâm là Kapilavastu ở Nepal, nơi Phật đản sanh; Bodhgaya ở Bihar nơi Ngài thành đạo; Vườn Nai (Sarnath) ở Varanasi nơi Ngài chuyển pháp luân đầu tiên; và Rừng Sa-la ở Kuṣinagara, bang Uttar Pradesh, nơi Ngài nhập diệt, chúng tôi được thầy dẫn đến chiêm bái những nơi mang đậm dấu ấn Đức Thế Tôn để lại, như Tinh xá Trúc Lâm, Tinh xá Kỳ Hoàn, Đông viên Lộc Mẫu do bà Tì-xá-Khư cúng Phật và tỉ-kheo tăng làm nơi an cư tu tập, Hương tháp tại Belugāma ở Tì-xá-li, nơi Đức Phật ôn lại cho các đệ tử 37 yếu tố giác ngộ, rồi công bố địa điểm Ngài sẽ nhập Niết bàn sau ba tháng nữa kể từ hôm ấy, Đại tháp Kesariya Buddhastūpa do Aśoka xây dựng đánh dấu nơi Đức Phật tặng bình bát của Ngài cho dân Tì-xá-li làm kỷ niệm và hiện thần thông ngăn họ đi theo Ngài về Kuṣinagara, nền tháp Aśoka dựng trên vườn nhà của Cunda ngày xưa ở Pava, nơi Đức Phật thọ dụng bữa ăn cuối cùng do ông ấy cúng dường trước khi đến khu rừng Ngài sẽ nhập diệt vào khuya ngày hôm ấy.
Mới được đặt chân lên chỉ bấy nhiêu thánh tích, lòng tôi đã dâng lên biết bao mối cảm xúc khi mường tượng thấy hình ảnh và pháp âm Ngài hiện về sinh động tại những nơi ấy qua các bài kinh tôi từng đọc qua, nhất là Kinh Du hành trong Trường A Hàm thuộc Hán tạng, hoặc Kinh Đại bát Niết bàn trong Trường Bộ kinh của tạng Pāli. Đối chiếu những sự việc ghi lại trong hai bản kinh này, cũng như những bản kinh và các tư liệu khác, nhất là Luật tạng, cùng với thực tế chúng tôi được dẫn đến tham quan, tôi nhận ra tính xác thực và giá trị lịch sử quý báu của các tư liệu này. Có điều địa danh ghi lại trong các bản kinh phần lớn không còn giống với địa danh lưu hành ngày nay. Vì vậy, trải qua trên 2.500 năm vật đổi sao dời, nhiều thánh tích vẫn chưa được xác định, lắm khi còn bị nhận lầm. Hôm được dẫn đến tham quan cái giếng Đức Phật lấy nước uống lần cuối bên bờ sông Hiranyavatī cạnh Đại tháp Niết bàn, nơi được cho là Ngài băng qua để đến rừng Sa-la nhập diệt, tôi vẫn còn ngờ ngợ, thấy không giống như Kinh Du hành mô tả.

Đến năm 2017, được dịp đi chiêm bái Phật tích lần thứ hai, cũng thầy Pháp Tịnh hướng dẫn, nhưng có thêm ông Shailesh Singh, hướng dẫn viên du lịch người Ấn, phụ giúp chuyện ăn ở. Nhờ hướng dẫn viên này, dù chưa đủ duyên đến được khúc sông A-nan lấy nước cho Thế Tôn dùng sau ba lần Ngài yêu cầu, chúng tôi cũng may mắn đến được bến sông Kakuttha, nơi Đức Phật đã tắm và uống bát nước cuối cùng, trước khi băng qua đoạn sông này đi về rừng Sa-la ở Kuṣinagara để nhập diệt. Nhân chuyện này, tôi hỏi anh ấy về cái hồ Đức Phật đã xuống giặt tấm vải Ngài lượm được trên đường để biếu Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvela Kaśyapa). Anh cho biết, nó là một hồ thiêng của tín đồ Ấn giáo, nằm gần Bồ đề đạo tràng. Bấy giờ đoàn chúng tôi rất tiếc phải bỏ lỡ cơ hội đến thăm, vì đã đi qua nó quá xa, lại ngược đường.

Còn rất nhiều chỗ tương tự như thế được ghi lại trong các kinh sách, nhưng chúng tôi chưa đủ duyên đi đến và mong được đến chiêm bái một lần trong đời, nào là bờ sông A-no-ma, nơi Thái tử Tất-đạt-đa cắt tóc xuất gia tìm đạo, bảo ngựa Kiền Trắc và Xa Nặc trở về; nào là thảo am nơi Bồ tát tu học định vô sở hữu xứ với đạo sĩ Alara Kalama, thảo am Ngài tu học định Phi tưởng phi phi tưởng xứ với đạo sĩ Udaka Rāmaputra; nào là vườn xoài của kỹ nữ Ambapāli nơi Đức Phật thuyết lại cho các tỉ kheo nghe kinh Tứ niệm xứ, miếu Capala nơi Ngài dạy A-nan hãy nương tựa chính mình, nương tựa bằng chánh pháp, hãy thắp sáng mình lên, thắp sáng bằng chánh pháp; nào là khu rừng Siṃsapa ở thành Bhoganagara nơi Ngài giảng bài kinh Bốn đại giáo pháp, đưa ra tiêu chuẩn xác định lời Đức Phật dạy, v.v...  

Để thực hiện mong ước ấy, điều tiên quyết là phải biết chính xác tên hiện nay của những địa danh trong kinh sách ghi lại chỗ Đức Phật dừng chân, bấy giờ mới có thể sắp xếp một hành trình thuận tiện và hợp lý được. Tôi bày tỏ ý định này với anh Hồ Đắc Túc, một thành viên trong đoàn chiêm bái Phật tích năm ấy, và đề nghị anh cố gắng tìm cách xác định địa danh mới của những nơi Đức Phật từng lưu lại dấu chân trên bước đường hóa thân thuyết pháp độ sinh của Ngài. Việc ấy sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hành hương chiêm bái, cũng như cho việc học hiểu chính xác cuộc đời của Đức Từ phụ.

Nhờ giáo sư chuyên về Phật giáo sử ở Đại học Cardiff là Max Deeg hướng dẫn, sau hơn hai năm sưu tập, nghiên cứu các tư liệu khảo cổ, và lịch sử Phật giáo Ấn Độ của những chuyên gia hàng đầu xưa nay trên thế giới, đặc biệt là cuốn Phật quốc ký của ngài Pháp Hiển, một tư liệu quý giá mà các nhà khảo cổ học đã dựa vào đó để khai quật hầu hết các Phật tích mà ngày nay mọi người trên thế giới đến chiêm bái, anh đã viết thành tác phẩm Những dấu chân ngân dài này.

Đây là một tư liệu hết sức quý giá đã được biên soạn một cách khoa học. Nó thật cần thiết không những cho những ai muốn tìm đến chiêm bái những nơi từng ghi lại dấu chân Đức Phật, mà còn cho những người muốn nghiên cứu thực địa về lịch sử Phật giáo Ấn Độ cổ đại. Bằng việc xác định địa danh, số đo do-tuần (yojana) và lý mà Pháp Hiển đã sử dụng trong tác phẩm Phật quốc ký của ngài, tác giả góp phần mở đường và tạo điều kiện thuận tiện cho những nghiên cứu và khai quật thêm sau này các thánh tích ở trên mặt đất, hoặc còn vùi sâu rất nhiều dưới lòng đất Ấn Độ. Một điểm thú vị khác nữa đáng ghi nhận là tác giả đã lần theo bước chân ngài Pháp Hiển, vẽ lại con đường tơ lụa trên biển mà các thương nhân ngày xưa đã sử dụng để đi lại buôn bán từ Ấn Độ, qua Tích Lan, đến Lâm Ấp của Việt Nam và Quảng Châu của Trung quốc. Nó như vậy không những cung cấp chứng cứ cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo du nhập vào Việt nam trong thời kỳ đầu, mà còn góp phần cho những nghiên cứu về lịch sử các nền văn hóa, tôn giáo cổ đại của các nước châu Á chịu ảnh hưởng nền văn hóa Ấn. 

Tóm tắt một ít nội dung của nó, chúng tôi mạo muội ghi lại mấy dòng trên đây. Trước là bày tỏ lòng biết ơn tác giả đã giúp chúng tôi điều kiện để thực hiện ước nguyện của mình. Sau là trân trọng giới thiệu với độc giả công trình biên soạn rất khoa học và giá trị này. 

Quảng Hương Già Lam
PL. 2564, đầu xuân Tân Sửu 
Nguyên Giác

Sản phẩm đã xem

-%
0₫ 0₫
Dịch vụ tận tâm Dịch vụ tận tâm
Sản phẩm đa dạng Sản phẩm đa dạng
Vận chuyển chu đáo Vận chuyển chu đáo
Giá cả hợp lý Giá cả hợp lý
Tài khoản Giỏ hàng Trang chủ Facebook Instagram TOP