Chọn sản phẩm tặng kèm
Mã hàng: | 8938538123156 |
Nhà xuất bản: | NXB Lao Động |
Tác giả: | Thầy Pháp Nhật |
Năm xuất bản: | 2021 |
Số trang: | 120 |
Kích thước: | 20.5 x 14.5 cm |
Trọn Vẹn, Cảm Nhận, Yêu Thương (Tái Bản 2021)
Giác ngộ về hạnh phúc
Đôi khi, bạn ngần ngại trước một cuốn sách dạy ta cách có được hạnh phúc, bởi lo gặp phải những triết lý khó hiểu, hoặc những bài học chung chung, hay quá nhiều kỹ năng khiến mình thêm hoang mang. Thế nhưng “Trọn vẹn, cảm nhận, yêu thương”, tác phẩm của thầy Pháp Nhật, lại dẫn dắt bạn đến với hạnh phúc theo cách thật nhẹ nhàng, tự nhiên.
Có lẽ là bởi trong suốt bốn mươi câu chuyện, tác giả không có ý dạy ta điều gì cả, mà chỉ chia sẻ hành trình kiên trì thực tập sống của chính mình mỗi ngày. Điều này khiến độc giả cảm thấy thật thú vị. Một bậc chân tu lại cố gắng tập sống trọn vẹn, chứ không hề xa rời thực tại! Như ông giải thích, tu không phải là thoát ly khỏi cuộc sống, mà trái lại, là trọn vẹn với cuộc sống. Người tu hành cần giữ tâm thanh tịnh. Nhưng thực ra, bạn chỉ có được tâm thanh tịnh khi nhìn thấu bản chất của cuộc sống này, là có vui ắt có buồn, có được tất có mất, có hạnh phúc ắt có khổ đau... Khi đã hiểu cuộc sống luôn tồn tại hai mặt đối lập ấy, thì tự nhiên ta không còn trốn chạy thực tại, nuối tiếc quá khứ, lo lắng cho tương lai, cũng không còn tham sân si nữa, mà thuận theo tự nhiên, nhẹ nhàng đón nhận mọi điều cuộc sống này mang lại.
Đối với tác giả thì đón nhận cuộc sống tức là trọn vẹn với cuộc sống, là “kích hoạt” mọi giác quan để nghe, nhìn, cảm nhận, để trải nghiệm từng “hơi thở” của cuộc sống, để không bỏ lỡ bất cứ điều nhỏ bé - kỳ diệu nào. “Sáng nay thức dậy, tôi thấy bình an lạ. Thức dậy và mỉm cười để chào đón ngày mới đã thành thói quen của tôi. Mỉm cười khi thức dậy đã giúp tôi thắp sáng ý thức về hiện hữu. Những chú chim đang hót bên ngoài cửa sổ. Tiếng hót thánh thót, bình an. Tia nắng sớm đã vào thăm trà thất tự lúc nào. Tôi có thể cảm nhận được hơi ấm của nắng sớm đang lan tỏa trong phòng. Cuộc sống thật sự là một sự tận hưởng. Ta tận hưởng giây phút hiện tại đang là. Trong sự tận hưởng này có sự trở về và khám phá. Trở về với chính mình và khám phá vẻ đẹp của hiện hữu” (Hạnh phúc nơi cái đang là).
Sự hân hoan của một người tu hành trước những biến chuyển của thiên nhiên, đất trời thật giống với một đứa trẻ mở to đôi mắt hiếu kỳ mà khám phá bao điều mới lạ. Ông khiến ta nhớ đến chính ta của ngày thơ bé, cũng từng rung động với từ chiếc lá, ngọn cỏ, cũng từng háo hức cảm nhận vạn vật luôn sống động, tươi mới mỗi phút giây, và không bao giờ hết ngạc nhiên về thế giới xung quanh. Ông khiến ta ngẩn người tự hỏi: Đã bao lâu rồi mình không “tiếp xúc” với cuộc sống gần đến thế? Đã bao lâu rồi lòng không còn bừng sáng bởi những niềm vui bình dị? Đã bao lâu rồi chẳng có nổi một khoảnh khắc tĩnh lặng để lắng nghe chính mình? Và, ta đã làm gì mà thiếu thốn thời gian đến vậy? Ừ thì vì mưu cầu hạnh phúc, một lý do nghe rất chính đáng. Nhưng ngẫm kỹ, để đạt được “hạnh phúc”, có phải là ta đã đánh đổi quá nhiều thứ? Mà hạnh phúc ấy có thật bền vững không, hay nó cũng vụt tắt nếu một khát khao mới xuất hiện, khiến ta lại lao vào một cuộc rượt đuổi mãi chẳng có điểm dừng?
Thứ hạnh phúc ta phải mưu cầu, đánh đổi, giành giật để có được ấy, tác giả gọi là DỤC LẠC. Còn ông thì kiên trì thực tập sống mỗi ngày để đạt tới AN LẠC. Với ông, đó mới là hạnh phúc bền vững, là niềm vui an nhiên lan tỏa từ bên trong, là hạnh phúc luôn sẵn có, bởi nó chính là những điều bình dị của cuộc sống thường nhật mà khi cảm nhận bằng giác quan rộng mở và trái tim nhiệt thành của một đứa trẻ, sẽ bừng sáng lung linh, cho ta xúc cảm tràn trề, khiến ta háo hức tận hưởng từng ngày sống. Cứ mỗi giây qua là vạn vật thay áo mới, khiến tâm hồn ta cũng tươi mới theo. Một chiếc lá rơi xuống, một mầm xanh lại nhú lên, một bông hoa tàn, một nụ hoa lại bừng nở. Không bao giờ có thể khám phá hết bức tranh muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, nếu bạn trở về với chính bạn và thực sự sống trong hiện tại, để nhận ra có một thứ hạnh phúc tự nhiên, luôn ở đó, thật dễ dàng chạm tới và nếm trải: “Buổi sáng thức dậy, pha một ấm trà, đốt lên một nén trầm, ngồi yên thưởng thức sự tĩnh lặng, bình an. Ta thấy mình hạnh phúc. Hạnh phúc liền. Ta hạnh phúc vì trong giây phút đó không có sự lo toan, tính toán. Ta hạnh phúc vì giây phút đó thấy cõi lòng mình bình an... Ta hạnh phúc đơn giản bởi vì ta hạnh phúc mà không cần phải phụ thuộc vào điều kiện nào bên ngoài. Một thứ hạnh phúc do bình an trong tâm hồn tỏa chiếu” (Dục lạc và An lạc).
Trước khung cảnh yên bình ấy, những người bình thường - không tu hành - như chúng ta không khỏi ghen tỵ, dù biết đó chính là một cảm xúc tiêu cực. Làm sao có thể “tống khứ” những nghĩ suy, lo toan, dằn vặt ra khỏi đầu? Làm sao có thể rũ bỏ những trách nhiệm đè nặng lên vai? Làm sao có thể thôi mưu cầu tiền tài, danh lợi… khi mà cả xã hội đều cuống cuồng theo đuổi. Nhưng thực ra, qua những câu chuyện của mình, tác giả cho ta thấy ông hoàn toàn sống như một con người bình thường, hay nói đúng hơn là ông học cách trở về với bản ngã nguyên thủy của con người, đó là nhân chi sơ tính bản thiện, là luôn đặt mình trong mối giao hòa với vạn vật, xem mình là một phần của vũ trụ bao la rộng lớn, để không bao giờ thấy cô đơn, để luôn giữ tâm yêu thương và đôi mắt nhân nghĩa. Khi hiểu được mỗi một sinh linh trên trái đất này đều gắn bó với nhau bởi mối quan hệ tương hỗ cho đi và nhận lại, ta sẽ trân trọng từng người một xuất hiện trong cuộc đời ta. Khi hiểu mỗi một chúng ta đều là những tế bào làm nên vũ trụ rộng lớn, tâm trí ta, tâm hồn ta sẽ được khai mở bởi một lý tưởng sống cao cả, bởi tình yêu lớn lao dành cho mái nhà chung của nhân loại. “Tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn khi ở trong rừng một mình. Làm sao ta có thể cô đơn khi mỗi hơi thở vào, ra đã hòa cùng một nhịp với vũ trụ. Nếu bạn thấy mình là một cá thể tách biệt thì bạn sẽ thấy mình rất nhỏ bé với vũ trụ bao la này, nhưng một khi bạn nghiệm được mình chính là một phần của vũ trụ, mình chính là vũ trụ này thì bạn vĩ đại cũng không kém đâu” (Chuyện lạc rừng).
Điều thú vị là qua bốn mươi câu chuyện, tác giả giúp ta hình dung con đường dẫn tới an lạc qua cách ông thực tập yêu thương, thực tập buông bỏ, thực tập lắng nghe sâu... để triệt tiêu năng lượng tiêu cực, “đào thải” những “chất độc” tham, sân, si khỏi tâm hồn, nhưng nhất định phải giữ một nỗi sợ, đó chính là... sợ thời gian. Như ông nói, thời gian vốn hữu hạn và đời người quá ngắn ngủi. Lời cảm ơn, lời xin lỗi, sự quan tâm, săn sóc... nếu chần chừ có khi không còn kịp, vì chỉ sau một giây thôi, hiện tại đã thành quá khứ. Phải chăng vì thế, ông mới học cách trở lại làm một đứa trẻ? Người lớn luôn thấy trẻ con thừa năng lượng. Nhưng sự “thừa năng lượng” ấy thực ra là sống hết mình với hiện tại, với “cái đang là”. Quả thật, nụ cười của trẻ thơ luôn là nụ cười rạng rỡ nhất, đôi mắt trẻ thơ luôn là đôi mắt trong trẻo nhất, niềm vui của trẻ thơ luôn là niềm vui hân hoan nhất trên đời này. Đứa trẻ ấy còn ở trong ta không? Bằng hành trình thực tập sống của mình, tác giả trả lời ta rồi đó. Đứa trẻ ấy vẫn luôn hiện hữu trong ta, chỉ chờ được đánh thức mà thôi!