Mã hàng: | 9786043196849 |
Nhà xuất bản: | NXB Hội Nhà Văn |
Tác giả: | Nhiều Tác Giả |
Năm xuất bản: | 2021 |
Số trang: | 339 |
Kích thước: | 18 x 25 cm |
Viết Và Đọc Chuyên Đề Mùa Hạ 2021
XIN CÁC BẠN ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI NÀY
Cơ hội gì vậy ?
Chắc các bạn sẽ hỏi thế. Và tôi không muốn giấu điều mà chính tôi muốn nói ngay từ chữ đầu tiên.
Đấy là cơ hội có được một ấn bản VIẾT & ĐỌC hè 2021.
Từ trước tới nay, cứ sau khi VIẾT & ĐỌC được in xong chuyển về Nhà xuất bản, tôi mới ngồi viết những dòng về ấn phẩm này. Nhưng lần này thì tôi muốn được ‘’khoe’’ với các bạn ngay khi VIẾT & ĐỌC mới đưa vào nhà in. Niềm vui này phải đặc biệt như thế nào mới có thể biến một ông già là tôi thành một đứa trẻ. Một đứa trẻ có được một món quà đặc biệt và nó bỏ cả ăn để chạy khoe khắp xóm.
Một điều vô cùng đặc biệt trong VIẾT & ĐỌC hè 2021 xuất hiện một tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Đây là một truyện vừa của nhà văn Nam Cao được ‘’phát hiện lại’’ nhưng tôi thấy có thể coi như được ‘’phát hiện lần đầu’’ đối với 99% bạn đọc Việt Nam thậm chí là 100% tính từ lứa tuổi tôi trở lại đây. Chính tôi là người cứ nghĩ mình đã đọc tất cả những gì của Nam Cao nhưng lúc này mới ngã ngửa ra là còn một số tác phẩm của ông mà tôi chưa hề được biết đến.
Nếu ai yêu văn chương, yêu Nam Cao, nghiên cứu về văn học Việt Nam mà lúc này không giành lấy cơ hội đọc tác phẩm này của ông thì không biết tôi nên nghĩ về họ như thế nào ? Có được tác phẩm này của Nam Cao thì công lớn thuộc về nhà phê bình Lại Nguyên Ân. Ông đã tìm lại được khá nhiều tác phẩm của Nam Cao mà có lẽ cả thế kỷ nay người Việt đã vô tình đánh mất. Nhà Xuất bản Hội Nhà văn chuẩn bị cho ra mắt những tác phẩm của nhà văn Nam Cao mà tôi có thể coi như là lần đầu tiên người đọc Việt Nam thời nay mới biết.
Một trong không nhiều những nhà văn Việt Nam viết truyện ngắn vô cùng xuất sắc là Bảo Ninh. Đã lâu lắm rồi ông mới trở lại với một truyện ngắn làm tôi muốn đọc đi đọc lại mãi. Truyện ngắn này của ông viết về sự sụp đổ bức tường Berlin.
Cùng với Bảo Ninh là sự hiện diện của tiểu thuyết gia Sương Nguyệt Minh. Nhà văn Sương Nguyệt Minh ngồi ‘’vuốt râu’’ suốt gần 3 năm trời quan sát VIẾT & ĐỌC xem nó là cái gì để cuối cùng xuất một ‘’chưởng’’ khủng là một chương hay đến ‘’buốt lòng’’ trích từ tiểu thuyết mới nhất của ông vừa hoàn thành có tên CÔ HỒN.
Rồi một trong vài người viết tản văn hay nhất xứ ta đã gửi đến cho VIẾT & ĐỌC một chùm tản văn mà tản văn của người này từ lâu đã được coi là ‘’đặc sản’’. Đó là tản văn của nhà văn Phan Thị Vàng Anh. Nếu Phan Thị Vàng Anh không trở lại trên VIẾT & ĐỌC thì tôi tin rằng một trong những ‘’đặc sản’’ tản văn tiếng Việt đã bị biến mất mà có tìm trong ‘’sách đỏ’’ cũng không thấy. Nhưng chị đã trở lại. Xin cám ơn chị rất nhiều và rất nhiều.
Chúng ta đang đứng trước đội quân virus Vũ Hán nguy hiểm và điên rồ hơn lúc nào hết. Và chuyên mục ẤN TƯỢNG 90 NGÀY dành cho các nhà văn, nhà thơ tên tuổi : Lê Minh Hà, Phan Triều Hải, Bruce Weigl viết về những ngày tháng họ phải chống lại loài virus này như thế nào. Nhà văn Lê Minh Hà hiện sống ở Đức và chị chính là người đã bị nhiễm virus Vũ Hán, nhưng chị đã vượt qua bằng một ý chí và niềm tin mãnh liệt. Còn nhà thơ Bruce Weigl và nhà văn Phan Triều Hải sống ở Mỹ đã đóng chặt cửa nhà để chỉ ngồi đọc và viết bên trọng. Tôi hình dung thi thoảng họ nhìn qua khe cửa thấy đoàn quân virus Vũ Hán đi lại quanh nhà rầm rập. Đội quân này bất cứ lúc nào cũng có thể xông vào nhà túm lấy hai nhà văn, nhà thơ danh tiếng này.
Cùng với những nhà văn ở trên là nhà văn Nguyễn Trí, Nguyễn Ngọc Hoài Nam và nhà văn trẻ Đức Anh. Không thể nào không đọc họ. Bởi họ đã mang đến những phong vị hoàn toàn riêng biệt trong bút pháp và những vấn đề của con người. Một buổi sáng với một ly cà phê ngon và đọc họ thì hỏi còn gì hạnh phúc hơn nữa.
Trong chuyên mục ĐỐI THOẠI số này, chúng tôi giới thiệu 2 cuộc trò chuyện với hai người đặc biệt là nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Một người mà âm nhạc của ông đẹp như đường chân trời và một người mà những ý kiến của ông sắc lạnh như dao mổ. Hai cuộc trò chuyện này được thực hiện cách đây gần 20 năm nhưng những gì họ nói tới vẫn còn nguyên giá trị. Khi văn chương, nghệ thuật chạm tới lõi của sự thật, của lòng người thì nó đã chạm tới sự bền vững. Một lần nữa chúng tôi xin cám ơn nhiếp ảnh gia Dương minh Long đã cho chúng tôi sử dụng những bài phỏng vấn này cùng những bức ảnh của anh về thế giới văn nghệ sỹ của chúng ta.
Sau khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ra đi, có rất nhiều tình cảm dành cho ông và cả những nhìn nhận mới về tác phẩm của ông. Giáo sư Trần Đình Sử và nhà thơ Quỳnh Iris De Prelle mang tới cho ta những cảm nhận mới về một con người, về một sự sáng tạo.
Thơ luôn luôn và mãi mãi là một bí ẩn, là sự mâu thuẫn, là mơ hồ, là khác biệt…Điều đó được chứng minh trong những chùm thơ của các nhà thơ Inrasara, Phạm Đình Ân, Trần Hữu Dũng, Phạm Đương, Phan Trung Thành, Nguyễn Thanh Mừng, Văn Triều, Phan Anh Tuấn. Mỗi nhà thơ trong VIẾT & ĐỌC hè 2021 như những người chưa từng quen biết nhau, chưa từng nói cùng một ngôn ngữ, chưa từng thống nhất với nhau một điều gì…nhưng họ lại cùng nhau đi trên một con đường : con đường thi ca.
Một trong những minh chứng về sự bí ẩn, sự mâu thuẫn, mơ hồ, khác biệt..của thơ là trường ca THỜI TÁI CHẾ của Mai Văn Phấn. Trường ca này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Và trong số này, chúng tôi giới thiệu những cách nhìn khác nhau của những nhà thơ ở những nền thơ và nền văn hóa khác nhau trên thế giới đối với trường ca này. Tất cả các cánh khác nhau ấy chỉ là cho thơ ca trở về đúng bản chất của nó mà thôi.
Một tin vui mà tôi muốn thông báo tới những người quan tâm : đó là dịch giả trẻ 20 tuổi Nguyễn Bình đã hoàn thành bản dịch KIỀU ra tiếng Anh. Anh gửi cho chúng tôi một đoạn dịch và quan điểm của anh về dịch KIỀU. Tôi muốn nhắc lại rằng: dịch giả là một chàng trai mới 20 tuổi đang học Thiên văn tại Mỹ.
Ôi, nếu tôi cứ đắm mê mãi với VIẾT & ĐỌC hè 2021 thì bao giờ tôi mới có thể thoát ra được. Bởi còn những điều ám ảnh của văn chương mà những nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, Văn Cầm Hải, Lê Đăng Hoan, Pháp Hoan mang tới cho chúng ta.
Và bây giờ tôi giành một điều đặc biệt khác để nói về VIẾT & ĐỌC hè 2021. Đó là mỹ thuật của VIẾT & ĐỌC.
Từ số này trở đi, VIẾT & ĐỌC sẽ có một diện mạo mới hơn, đẹp hơn và chuyên nghiệp hơn bởi vi nhét các chuyên mục đã được họa sỹ Lê Thiết Cương sáng tạo. Lúc đầu, chúng tôi nhờ họa sỹ Lê Thiết Cương sáng tạo những vi nhét này cho một ấn phẩm khác. Nhưng rồi chúng tôi nhận thấy rằng VIẾT & ĐỌC là nơi hợp nhất. Chúng tôi không nói trước với họa sỹ Lê Thiết Cương vì muốn anh bất ngờ. Và dù thế nào thì họa sỹ cũng sẽ rất vui bởi ấn phẩm của anh đã được đặt đúng nơi của nó. Xin cám ơn HS Lê Thiết Cương , người đã làm ra diện mạo Viết & Đọc đến lúc này là trọn vẹn: măng sét và các vi nhét.
Khác với các phụ bản trước kia của VIẾT & ĐỌC. Số này là một câu chuyện của họa sỹ Đào Hải Phong. Ông kể câu chuyện bằng hình khối và màu sắc song song với các câu chuyện bằng chữ của các nhà văn, nhà thơ trong VIẾT & ĐỌC hè 2021. Ông đã kể một câu chuyện về kiếp một cái CÂY. Mà thực ra đó là KIẾP một con người. Và tôi đã nhìn thấy một phần kiếp người của tôi trong kiếp cây ấy của Đào Hải Phong.
Còn tranh bìa của VIẾT & ĐỌC hè 2021 thì thật sự khác biệt so với những số trước đây. Đó là bức tranh của họa sỹ Mỹ gốc Nhât : Jean Kondo Weigl. Chúng tôi thấy bức tranh của bà thực sự có ý nghĩa trong lúc này. Bức tranh vẽ những con thú đang giang tay cứu giúp con người. Nghe thật ngược đời phải không ? Nhưng đấy là thông điệp của họa sỹ và cũng là thông điệp của chúng tôi. Con người chưa bao giờ tàn độc với con người như những năm tháng này mà những thông tin khoa học chính thống liên quan đến virus Vũ Hán là một ví dụ kinh hãi.
Và bây giờ tôi phải dừng lại những cảm xúc về VIẾT & ĐỌC hè 2021 đang tràn ngập trong tôi. Tôi xin lỗi các bạn vì stt quá dài. Nhưng tôi không thể không nói như vậy được.
Cầu chúc chúng ta vượt qua cơn đại dịch này.
Nguyễn Quang Thiều